Ai cũng biết đỉnh núi Everest cao nhất thế giới. Cũng bởi vậy mà nơi đây trở thành một địa danh nổi tiếng cho những người ưa thích thử thách, chinh phục mạo hiểm. Vậy nhưng con đường đi đến đỉnh Everest chưa bao giờ là chuyện đơn giản. Nếu bạn có dự định thử thách chính mình hoặc đơn giản là tìm hiểu qua về con đường chinh phục núi Everest gian khó này, những thông tin được cung cấp dưới đây chắc chắn sẽ vô cùng hữu ích với bạn.
Những thông tin cơ bản về núi Everest
Đỉnh núi Everest thuộc nước nào?
Đỉnh núi Everest thuộc dãy Himalaya, dãy núi bao phủ một phần diện tích rộng lớn thuộc hai nước là Nepal và Trung Quốc. Con đường được nhiều người lựa chọn nhất khi tiến hành chính phục núi Everest nằm ở ngay khu vực biên giới của hai nước này.
Đỉnh núi Everest cao bao nhiêu?
Độ cao của đỉnh núi có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố từ môi trường và địa chất xung quanh. Theo số liệu được tiến hành đo đạc vào năm 2007, độ cao của núi là 8.848 mét tính từ mực nước biển.
Nếu xét trên độ cao tính từ mực nước biển (cách tính độ cao phổ biến nhất) thì Everest chính là nóc nhà của Thế giới. Tuy nhiên nếu dựa trên những tiêu chí khác thì đỉnh núi Everest hoàn toàn bị soán ngôi. Ví dụ như nếu xét độ cao từ đỉnh núi đến tâm Trái Đất, núi lửa Chimborazo thuộc dãy Andes ở Ecuador sẽ cao hơn Everest khoảng 2 mét. Hoặc nếu chỉ tính khoảng cách từ chân núi đến đỉnh núi thì núi Denali ở Alaska vượt xa chiều cao của Everest.
Lộ trình leo núi Everest
Hiện nay có hai con đường chính để đi đến đỉnh Everest và 13 con đường ít thông dụng hơn. Trong số đó, con đường phía sườn núi Đông Nam có điều kiện thuận lợi và dễ đi hơn cả nên là con đường được nhiều người lựa chọn nhất. Đây cũng là lộ trình sẽ được giới thiệu cụ thể ngay sau đây.
Các đoàn thám hiểm thường xuất phát từ Kathmandu (Nepal) bay đến Lakla và đi qua khu vực NamcheBazzar. Những người thám hiểm sẽ mất khoảng 6 đến 8 ngày để vừa thích ứng và di chuyển đến Trại Nền bằng đường bộ. Đoạn đường này không nên đi quá gấp rút mà cần điều chỉnh tốc độ phù hợp để làm quen với điều kiện môi trường trên cao với không khí loãng, nhiệt độ thấp.
Khi đặt chân đến khu vực Trại Nền, những người thám hiểm sẽ nghỉ chân ở đây một tuần. Trong thời gian này, bên cạnh việc để cơ thể điều chỉnh thích ứng với độ cao, một số người trong đoàn thám hiểm cùng với người Sherpa (người dân khu vực, thường hỗ trợ các đoàn leo núi, thám hiểm) sẽ tìm những con đường khác nhau như dây, thang leo để vượt thác băng Khumbu. Đây là một trong những đoạn ngay hiểm và khiến nhiều người tử nạn nhất khi thám hiểm đỉnh núi Everest.
Sau khi vượt qua thác băng, các nhà thám hiểm sẽ đặt chân đến Trại I có tên đầy đủ Advanced Base Camp ở độ cao 6.065m. Từ đây, đi dọc theo Western Cwm để di chuyển đến Trại II ở độ cao 6.500m. Xét về độ phức tạp của địa hình thì đoạn đường này không quá khó đi. Vậy nhưng, địa hình thung lũng này khá chắn gió và với một ngày không có gió, nhiệt độ của Western Cwm sẽ vượt ngưỡng mà chúng ta có thể chịu đựng được.
Từ Trại II, những nhà thám hiểm leo lên theo mặt Lhotse bằng những sợi dây được cố định trên mỏm đá để đến Trại III. Leo thêm khoảng 500 mét, vượt qua sườn đá đen có tên Gót Geneva và khu vực đá cát trầm tích tên Dải Vàng sẽ đến trại tiếp theo – Trại IV South Col.
Tại South Col, những nhà thám hiểm sẽ đối diện với quyết định quan trọng là đi tiếp lên đỉnh núi Everest hay quay trở lại. Nếu điều kiện thời tiết không thuận lợi, câu trả lời tất yếu là quay trở lại, đó sẽ là con đường an toàn duy nhất của bạn cũng như tất cả những người khác trong đoàn. Nếu điều kiện thuận lợi bạn vẫn cần cân nhắc đến giới hạn thời gian. Trong điều kiện môi trường trên độ cao như vậy, bạn sẽ chỉ chống chọi được khoảng 2-3 ngày và đó là tất cả thời gian bạn có để làm quen với môi trường và leo lên đỉnh.
Thời gian để hoàn thành gần 1000m sau cùng để đến đỉnh núi Everest là từ 10 đến 12 giờ. Bạn sẽ chỉ nên ở lại tối đa nửa tiếng để di chuyển xuống khi trời còn sáng và đảm bảo tất cả những yếu tố khác trên hành trình trở về sẽ ở điều kiện thuận lợi nhất.
Vì sao lại coi việc chinh phục đỉnh núi Everest là chiến thắng tử thần?
Con số những nhà thám hiểm muốn đặt chân đến đỉnh núi Everest ngày càng gia tăng. Riêng trong năm 2016, đã khoảng 280 người trên con đường đến với nóc nhà thế giới đã vĩnh viễn không thể trở về.
Trước hết, con đường chinh phục đỉnh núi Everest sẽ đẩy bạn đến giới hạn cao nhất của thể lực và ý chí. Trong suốt chặng đường leo, khó khăn đầu tiên và cũng đi theo bạn đến tận cùng hành trình là chiếc balo nặng đến vài chục cân, không khí loãng và nhiệt độ lạnh thấu xương. Bạn sẽ phải chịu đựng những khó khăn thường trực này đến vài tuần chứ không chỉ vài ngày và nó dễ dàng khiến bạn bị suy kiệt thể lực, bào mòn sự quyết tâm.
Để đi đến đỉnh Everest, bạn cần phải vượt qua được “Ngưỡng chết” – khu vực nằm ở độ cao trên 8.000m với nồng độ oxy trong không khí cực thấp. Nếu bạn không phải dân chuyên và nếu bạn không mang theo bình oxy thì bạn cầm chắc cái chết trong tay. Chưa kể đến quãng đường di chuyển từ nơi xuất phát đến trạm IV có vô số khó khăn, ngay hiểm từ điều kiện môi trường đến địa hình có thể lấy đi mạng sống của các nhà leo núi bất kỳ lúc nào.
Câu hỏi đặt ra là vì sao vẫn có nhiều người muốn đến Everest như vậy và thậm chí còn mở ra các tour leo núi Everest?
Trên thực tế, những người thực sự muốn chạm đến đỉnh núi Everest đa phần sẽ là những người leo núi chuyên nghiệp và có kế hoạch rèn luyện bản thân để có thể đạt được mục tiêu đó. Với họ việc leo núi trở thành đam mê, mong muốn trải nghiệm mà không phải ai cũng có thể thấu hiểu và chia sẻ.
Ở khía cạnh khác cũng có nhiều người tò mò về địa điểm nổi tiếng toàn cầu này, họ cũng muốn thử sức nhưng có lẽ điều kiện thời gian, kinh phí hay tình trạng cơ thể, sức khỏe không đủ đáp ứng. Khi đó, những tour du lịch với điểm đến làm Trạm Nền sẽ giúp họ thỏa mãn được những mong ước của bản thân.
Leave a Reply